Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Điều ước quốc tế song phương, đa phương, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và mới đây nhất phải kể đến việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc tham gia vào các “sân chơi quốc tế” đã mở ra nhiều cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đòi hỏi sự thay đổi từ phía các doanh nghiệp trong việc tuân thủ “luật chơi” chung để tối ưu hóa quyền lợi của mình.
Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực pháp lý tăng lên một cách nhanh chóng. Có thể nói, chưa bao giờ, sinh viên luật lại có nhiều “mảnh đất” màu mỡ và đa dạng đến như vậy trong việc lựa chọn công việc phù hợp cho bản thân. Bên cạnh khối nghề truyền thống như Tòa án, Viện kiểm sát, Luật sư, Công chứng viên, Chấp hành viên… thì hiện nay, từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp lớn, từ các cơ quan nhà nước cho tới các tổ chức phi chính phủ, v.v… đều mong muốn có được những cán bộ pháp lý am hiểu pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật Quốc tế cũng được mở ra và phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội.
Là một sinh viên Khóa 2010-2014, chuyên ngành Luật Quốc tế của Viện Đại học Mở Hà Nội, tôi cảm thấy rất may mắn khi có được 04 năm học đáng nhớ và hữu ích dưới mái trường thân yêu này. Với sự quan tâm của nhà trường, của khoa Luật, sinh viên chúng tôi luôn được tạo điều kiện tối đa trong quá trình học tập để phát huy hết khả năng của mình. Từ các bộ môn hình thành các kỹ năng và tư duy cơ bản cho đến các bộ môn chuyên ngành, chúng tôi luôn được thụ hưởng những bài giảng, những chia sẻ vô cùng bổ ích đến từ các giảng viên có nhiều kinh nghiệm. Quá trình học tập vẫn được diễn ra với các phương pháp truyền thống nhưng cũng được đan xen, kết hợp bởi những phương pháp mới, tăng tính gắn kết, tính tự chủ-tự giác giữa các chủ thể tham gia vào bài giảng. Sự trao đổi, chia sẻ thẳng thắn giữa thầy và trò trong các bài giảng đã cho thấy tinh thần đổi mới cơ bản trong đào tạo. Đồng thời cũng là những cơ hội tốt cho chúng tôi rèn luyện tư duy lô-gic, khái quát và nắm bắt được nút thắt của vấn đề và rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc nêu ra và bảo vệ quan điểm của mình đối với các vấn đề pháp lý. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong phương thức thi cử cũng đã giúp sinh viên chúng tôi hình thành khả năng thích nghi, tự trau dồi kỹ năng viết (đối với môn thi viết) và kỹ năng thuyết trình (đối với môn thi vấn đáp); gây dựng cho bản thân kỹ năng ứng biến và khả năng hoạt ngôn trong quá trình giải quyết vấn đề đặt ra.
Với đặc thù chuyên ngành Luật Quốc tế, ngoài việc phải nắm bắt được hệ thống pháp luật quốc gia, chúng tôi còn phải tiếp cận với khá nhiều kiến thức pháp luật quốc tế. Thách thức đối với sinh viên theo học ngành Luật Quốc tế là phải có kỹ năng đọc hiểu ngôn ngữ pháp lý bằng tiếng Anh và thích nghi được lối hành văn pháp lý của pháp luật quốc tế. Vượt qua điều này là không dễ dàng vì tiếng anh là một rào cản đáng kể đối với sinh viên chúng tôi. Ngoài ra, để nắm bắt các vấn đề pháp lý quốc tế nổi cộm, đòi hỏi người học và nghiên cứu luật Quốc tế phải có sự hiểu biết và cái nhìn tổng quan về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chính trị, kinh tế và xã hội. Mặc dù chương trình đào tạo đã dành thời lượng cho các môn học chuyên ngành, cũng như nhà trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để lắng nghe các học giả, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật Quốc tế luận bàn, chia sẻ về các vấn đề tranh chấp pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, để có được những hiểu biết ở mức độ thông thạo, đòi hỏi sinh viên ngành Luật Quốc tế chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều.
Bên cạnh công tác đào tạo chuyên môn, Viện Đại học Mở Hà Nội luôn tạo điều kiện để sinh viên chúng tôi có cơ hội được phát triển khả năng trong công tác xã hội, các phong trào và hoạt động của thanh niên. Các hoạt động dành cho thanh niên mang nhiều màu sắc đa dạng như: hoạt động tình nguyện, tiếp sức mùa thi, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, tham gia các câu lạc bộ v.v… Những cơ hội giao lưu, những sân chơi như vậy đã là cầu nối gắn kết những con người trẻ đầy nhiệt huyết với nhau, phần nào khơi dậy sự sáng tạo và tinh thần tích cực cho sinh viên sau những giờ học căng thẳng. Và để duy trì nguồn lửa nhiệt huyết của sinh viên, bên cạnh việc dành tặng những học bổng để khuyến khích các sinh viên có thành tích tốt trong học tập, Viện Đại học Mở còn dành tặng những phần thưởng cho các sinh viên luật tích cực trong công tác, phong trào Đoàn. Chính sự tâm lý, thấu hiểu và khen thưởng kịp thời này đã là động lực thúc đẩy sinh viên của ngành Luật Quốc tế chúng tôi luôn không ngừng phấn đấu, làm mới mình với những sự sáng tạo cũng như tự trau dồi bản thân mình trên mọi phương diện.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo sinh viên, Viện Đại học Mở Hà Nội còn rất chú tâm trong việc tuyển lựa nguồn giảng viên cũng như đầu tư cơ sở vật chất. Các giảng viên giảng dạy tại Khoa Luật khá đa dạng, phong phú và mang những màu sắc riêng. Mỗi một giảng viên đem lại những quan điểm và cách thức nhìn nhận-đánh giá vấn đề pháp lý khác nhau, tạo sự mới mẻ, không nhàm chán cho sinh viên. Nhất là, khơi gợi cho sinh viên luật kỹ năng trong việc tiếp nhận-xử lý nguồn thông tin, cũng như rèn luyện khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh, bối cảnh khác nhau, để từ đó có cơ sở định hình cho mình tác phong riêng trong tương lai. Về cơ sở vật chất, Khoa Luật cũng dành những sự đầu tư nhất định để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện.
Trong suốt quá trình học tập và rèn luyện tại mái trường thân thương này, tôi đã tích lũy được cho mình được những bài học, những kỹ năng vô cùng hữu ích phục vụ cho công việc hiện tại. Được làm quen với môi trường tòa án và kinh qua các hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhân sự và tổ chức sự kiện, tôi cảm thấy may mắn khi những gì đã được học trên ghế giảng đường, chính là tiền đề vững chắc giúp cho bản thân vượt qua những khó khăn trong công việc. Với công việc hiện tại liên quan đến công tác nhân sự, tôi nhận thấy nhu cầu của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều doanh nghiệp và tổ chức về nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực pháp lý là tương đối lớn. Ngoài các vị trí việc làm việc quen thuộc như Thẩm phán, Thư ký tòa, Thẩm tra viên; Kiểm sát viên; Luật sư; Công chứng viên, Giảng viên Luật, v.v… thì tại các vị trí việc làm liên quan đến công tác pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ của nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cũng đang là những sự lựa chọn tuyệt vời dành cho các sinh viên luật nói chung và sinh viên Luật Quốc tế. Với tư duy lô-gic và khả năng tương đối toàn diện trong nhiều lĩnh vực chính trị-kinh tế-xã hội, các sinh viên luật có nhiều cơ hội để phát huy khả năng của mình trong các môi trường làm việc khác nhau. Nhiều môi trường làm việc, lĩnh vực ngành nghề mới mà xã hội có nhu cầu cao trong vài năm trở lại đây như sở hữu trí tuệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, v.v… cũng đem đến nhiều hấp dẫn cho các sinh viên luật muốn được thử thách bản thân mình.
Là một cựu sinh viên được quay trở về Khoa Luật trong năm 2017 để giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ với các bạn sinh viên hiện đang theo học, tôi cảm thấy niềm vinh hạnh xen lẫn mừng vui khi thấy Khoa Luật, Viện Đại học Mở đã có nhiều sự thay đổi và đang ngày càng phát triển. Đặc biệt là các bạn sinh viên hiện tại đều rất năng động, nhiệt huyết và được tạo nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong quá trình học tập cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Các bạn được tiếp xúc với nhiều những giảng viên tốt, được lắng nghe chia sẻ từ những cá nhân thành công đang hành nghề trong lĩnh vực pháp lý, được thực hành nhiều hơn và nhất là có được sự hiểu biết cơ bản về con đường tương lai dành cho chính bản thân mình.
Với nhiều những sự thay đổi tích cực như vậy, hi vọng và kính chúc Khoa Luật, Viện Đại học Mở Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển rực rỡ hơn nữa và nhất là đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên có chuyên môn tốt trong lĩnh vực pháp lý để đóng góp công sức vào sự phát triển chung của xã hội.
Hoàng Thúy Hà: Cựu thủ khoa Tốt nghiệp ngành Luật Quốc tế (2010-2014)
Vị trí việc làm hiện tại: Chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ – Cục Sở hữu trí tuệ