Cha chung không ai khóc
Theo những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì mọi công dân, đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội và tất cả cán bộ, viên chức của Nhà nước đều có quyền đề nghị, kiến nghị với cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước xem xét, xử lý những hành vi, văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp.
Ở nước ta, chỉ có Quốc hội mới có quyền “bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước
Các cơ quan nhà nước, những cán bộ có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định có quyền xem xét, giải quyết những khiếu nại của công dân, những đề nghị của cấp dưới về hành vi trái Hiến pháp bằng việc ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thi hành để trình Quốc hội xem xét quyết định.
Ở nước ta, chỉ có Quốc hội mới có quyền “bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC và Viện KSNDTC trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây là những trường hợp phát hiện được hành vi trái Hiến pháp đã xảy ra hay văn bản pháp luật trái Hiến pháp đang có hiệu lực thi hành.
Còn đối với các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến của những dự án đó. Ngoài ra Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng quy định Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình để bảo đảm tính hợp hiến của những dự án, dự thảo này.
Như vậy, xét về văn bản pháp luật, có thể thấy đã có những quy định khá đầy đủ và chi tiết về một thiết chế tạm gọi là “cơ chế bảo hiến” ở nước ta. Song, nếu nghiên cứu phân tích kỹ về lý luận và thực tiễn thì “cơ chế bảo hiến” này còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết nên chưa đem lại kết quả mong muốn.
Chẳng hạn như việc bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, tức là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh né, làm cho hoạt động bảo vệ Hiến pháp đạt kết quả thấp.
Không rõ trách nhiệm
Bên cạnh đó, chưa có quy định giám sát, bảo vệ tính hợp hiến đối với luật, nghị quyết của Quốc hội mà chỉ có quy định Quốc hội xem xét, đề nghị của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu Quốc hội về hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ luật, nghị quyết của Quốc hội trái Hiến pháp có chính xác hay không để ta quyết định bãi bỏ theo đề nghị đó. Như vậy, có thể hiểu là Quốc hội thực hiện việc “tự giám sát” tính hợp hiến đối với luật, nghị quyết do mình ban hành.
Hơn nữa, hình thức hoạt động bảo hiến còn hạn hẹp, chưa toàn diện, mới chỉ tập trung vào việc giám sát tính hợp hiến các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, quy trình, thủ tục, trình tự và phương thức hoạt động bảo hiến còn thiếu cụ thể nên việc xem xét hành vi có đề nghị cho là vi hiến hay văn bản quy phạm pháp luật có kiến nghị cho là trái Hiến pháp không đi đến kết luận dứt khoát cuối cùng.
Chẳng hạn, khi có ý kiến khác nhau về tính hợp hiến của dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh giữa Ủy ban Pháp luật với cơ quan trình dự án; về tính hợp hiến của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình giữa Bộ Tư pháp với cơ quan chủ trì soạn thảo, thì cách giải quyết thế nào cũng chưa rõ, trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, cơ quan thẩm định và cơ quan trình dự án đối với việc bảo đảm tính hợp hiến trong các dự án đó cũng chưa được quy định cụ thể.
Chẳng hạn như qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XI cho rằng dự án Luật Kiểm toán nhà nước có nhiều nội dung vi hiến. Cụ thể như Quốc hội thành lập cơ quan kiểm toán nhà nước, bầu Tổng kiểm toán… là những quyền không được Hiến pháp năm 1992 giao cho Quốc hội (Điều 84 Hiến pháp năm 1992). Tuy nhiên, do không có cơ chế bảo hiến như ở nhiều nước khác nên Luật Kiểm toán nhà nước vẫn được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI…
5 năm, 7 năm hoặc lâu hơn nữa
Qua nghiên cứu sơ bộ các mô hình cơ quan bảo hiến ở một số nước, có thể thấy mô hình cơ quan bảo hiến châu Âu – tức là thành lập Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp là tối ưu. Tòa án Hiến pháp có những quyền hạn như: Giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật khác; Giải thích Hiến pháp; Giải quyết khiếu nại đối với văn bản, hành vi vi phạm Hiến pháp của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền; Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với nhau; giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với các cơ quan địa phương.
Đặc biệt, Tòa án Hiến pháp có quyền giải quyết tranh chấp trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân; Xem xét các vấn đề liên quan đến việc miễm nhiệm nghị sỹ và cách chức các quan chức cấp cao của Nhà nước; Tham gia luận tội các quan chức cấp cao của nhà nước…
Tuy vậy, nếu thành lập cơ quan chuyên trách bảo hiến thì Quốc hội có phải là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, là cơ quan có quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật vi hiến hay không? Quốc hội có còn quyền tự giám sát tính hợp hiến đối với những luật, nghị quyết của mình nữa hay không? Có quyền thực hiến quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước nữa hay không… Và nếu câu trả lời là không thì phải xem xét, sửa đổi, bổ sung nhiều điều của Hiến pháp năm 1992 về nhiệm vụ, quyền hạn của cả hệ thống cơ quan nhà nước…
Quan trọng hơn, ngay lập tức phải bổ sung một số điều cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo hiến vào Hiến pháp 1992 để sau này Quốc hội ban hành Luật Tổ chức cơ quan bảo hiến cùng với Luật về quy trình, thủ tục làm việc của cơ quan này. Để thực hiện xong những công việc này không thể trong vòng một vài năm mà phải 5-7 năm hoặc lâu hơn nữa.
Vì vậy, có thể theo một phương án khả thi hơn, có tình chất tình thế, đó là rà soát lại toàn bộ những quy định về bảo hiến để tập trung giao cho các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Chủ tịch nước, mỗi khi các cơ quan này và Chủ tịch nước phát hiện dấu hiệu vi hiến trong giải quyết vụ việc hay trong văn bản quy phạm pháp luật thì kiến nghị chủ thể bị giám sát xem xét khắc phục hành vi vi hiến, sửa đổi văn bản trái Hiến pháp. Trong trường hợp chủ thể bị giám sát không chấp nhận kiến nghị thì chủ thể giám sát sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.