KTĐT – Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) được thể hiện tại Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là vấn đề nhận được sự quan tâm của các chuyên gia và người dân.
Góp ý nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị thay vì “tạo điều kiện” như trong Dự thảo cần khẳng định “Nhà nước đảm bảo điều kiện hoạt động cho MTTQ” với quy định rõ ràng và nhấn mạnh hơn nữa vai trò đại diện người dân của MTTQ.
Với quan điểm MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, Ủy viên UB T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Tiến Võ đề nghị bổ sung: Vai trò của MTTQ là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo như cương lĩnh mới của Đảng. Như vậy, mặt trận mới làm được nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội để không trở nên hình thức, không khả thi khi thực hiện. Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ – Pháp Luật cũng cho rằng: MTTQ Việt Nam đã có nhiều cố gắng thể hiện vai trò trong việc giám sát, phản biện nhiều vụ việc được dư luận quan tâm. Vì thế, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần quy định rõ: MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Những vấn đề oan sai trong xã hội phải giám sát và có ý kiến để giải quyết.
Cũng khẳng định vấn đề giám sát và phản biện xã hội của MTTQ cần thể hiện trong Hiến pháp, ông Nguyễn Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Hà Nội nhận định: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp viết về phạm vi, đối tượng giám sát và phản biện gộp làm một là chưa chính xác, rõ ràng. Vì phạm vi, đối tượng giám sát là hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức, trong khi phạm vi đối tượng của phản biện xã hội là những dự thảo chủ trương của Đảng, dự án và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành, cần phải viết cho đầy đủ, rõ ràng.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. Nguyên Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng: “Nhân dân làm chủ là ai, phải quy định rõ ràng trong Hiến pháp. Rõ ràng mặt trận đã được khẳng định là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Đảng vì tổ chức chính trị là Đảng, các tổ chức chính trị xã hội tức là các đoàn thể chính trị xã hội. Và khi nói đến mặt trận, phải nói đến các tổ chức thành viên và cả những người tiêu biểu trong nước, ngoài nước, các tôn giáo, các dân tộc. Như thế, theo tôi hiểu, Mặt trận phải là đại diện cho nhân dân làm chủ, Hiến pháp cần phải khẳng định điều này. Như thế, Đảng sẽ có chỗ dựa để thực hiện sự lãnh đạo có được sự gắn bó máu thịt với dân”.
Về vai trò phản biện và giám sát của MTTQ, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, dân chủ với giám sát là một, nếu tôn trọng dân chủ thì càng phát huy được vấn đề giám sát. Nếu không coi trọng dân chủ thì giám sát và phản biện cũng không có tác dụng. Nói Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân là đúng. Nhưng Quốc hội cũng là của Nhà nước, vì là cơ quan lập pháp. Do vậy, muốn lắng nghe ý kiến các tầng lớp nhân dân, chỉ có thể dựa vào MTTQ.
Trần Hà (Kinh tế Đô thị Online)