Bắt đầu từ 8h00, ngày 04/6/2019, tại Hội trường A – Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn”. Hội thảo do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức, giao Trường Đại học Mở Hà Nội đăng cai.
Chương trình Hội thảo được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền thông của Nhà trường:
– Website chính thức của Hội thảo: http://htkh.hou.edu.vn/
– Fanpage của Nhà trường: https://www.facebook.com/HOUNews (Đại học Mở Hà Nội – HaNoi Open University)
Hội thảo dự kiến tiếp đón Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Nguyên PCT Nước Nguyễn Thị Doan…và hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.
Ngày 03/6, Báo Nhân dân – Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đăng tải bài viết “Trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ xã hội học tập tại Việt Nam”. Bài viết nêu bật vai trò của các trường đại học trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, trong đó Trường Đại học Mở Hà Nội là đơn vị tiên phong.
Ban biên tập xin trân trọng gửi tới thầy, cô giáo, các anh/chị học viên, sinh viên và quý bạn đọc toàn văn bài báo:
Bài viết trên Báo Nhân dân ngày 03/6
Trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ xã hội học tập tại Việt Nam
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER) có thể được coi là bất cứ tài liệu giáo dục nào được phát hành theo một giấy phép mở, bất cứ ai cũng có thể sao chép, sử dụng, sửa đổi và chia sẻ một cách hợp pháp các tài liệu này.
Tài nguyên giáo dục mở và vai trò của trường đại học
Tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) đang được xem là một nguồn tài nguyên thông tin khoa học hữu hiệu để hỗ trợ cho việc phổ cập giáo dục. TNGDM tạo ra sự bình đẳng cho người học và người dạy trong việc tiếp cận nguồn học liệu giáo dục chất lượng cao và miễn phí với giấy phép mở. Ở mức cao hơn, TNGDM góp phần tạo ra sự bình đẳng trong giáo dục. Bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng tri thức.
Việt Nam đang trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục tiến tới xây dựng xã hội học tập. Để người dân có thể tự học, học suốt đời, rất cần nguồn học liệu trên cả phương diện số lượng và chất lượng. Việc thiếu hụt các tài nguyên phục vụ học tập đã có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu ở bậc đại học Việt Nam. Trong điều kiện không đủ kinh phí để mua các nguồn học liệu cần thiết, nguồn TNGDM và miễn phí trên thế giới còn hạn chế, cũng như việc bản địa hoá nguồn học liệu này không thực sự dễ dàng, thì việc xây dựng TNGDM nội sinh có thể coi là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.
Để xây dựng TNGDM cần đảm bảo cùng lúc hai yếu tố: chuyên môn và tính sư phạm. Không đâu khác, nơi có thể cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo cả hai yếu tố này chính là các trường đại học. Tuy vậy, với tính “mở” của TNGDM, cần thiết có sự chung tay của các trường đại học để tạo nên một hệ sinh thái xây dựng và khai thác có hiệu quả nguồn TNGDM.
Thực trạng Tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam
Trên thế giới, với sự ra đời Khóa học trực tuyến “mở” đại chúng ở hầu hết các quốc gia (Massive Open Online Courses, MOOCs) đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của TNGDM. Đó là khóa học thực và miễn phí trên mạng, với sự dẫn dắt trực tiếp của giảng viên, cùng sự tham dự và tương tác của hàng trăm nghìn người học ở khắp nơi trên thế giới. Điều đặc biệt quan trọng, giảng viên MOOCs là các nhà khoa học danh tiếng của các Đại học hàng đầu.
Tại Việt nam, một số công ty, cá nhân cung cấp các khóa học trực tuyến và học liệu dưới dạng thương mại, không thể tiếp cận với mọi người dân, không phải người dân nào cũng đủ tài chính để theo học. Cũng có nơi cung cấp miễn phí học liệu là các bài viết, học liệu hình, học liệu tiếng trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook…. Tuy nhiên, không có cơ quan nào kiểm soát được nội dung, đặc biệt là những nội dung độc hại, gây nguy hiểm cho xã hội.
Tại một số trường đại học, các khóa học trực tuyến và học liệu được cung cấp dưới dạng các khoá học của chương trình đào tạo có cấp bằng là chính, chưa cung cấp rộng rãi tới cộng đồng theo đúng với định nghĩa “mở” của TNGDM.
Ở tầm Quốc gia, Việt Nam đang phát triển hệ tri thức việt số hoá, song, mới đang ở giai đoạn tập hợp các nội dung thông tin từ nhiều cá nhân, ngành nghề, lĩnh vực dưới dạng tài liệu số thuần túy, chưa có sự tương tác, chưa đưa vào đó tính sư phạm để biến các nội dung này thành các khoá học dễ dàng tiếp cận cho mọi người.
Đơn vị tiệm cận với giáo dục mở và tiên phong trong xây dựng TNGDM
Giáo dục mở là một xu hướng giáo dục hướng tới nền giáo dục tiên tiến, được hiểu khái quát là một triết lý giáo dục hướng tới loại bỏ các rào cản trong việc tiếp cận với giáo dục. Xuất hiện tại Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, giáo dục mở đã trở thành định hướng phát triển của nền giáo dục Việt Nam tại nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong đó Trường Đại học Mở Hà Nội được thành lập với mục tiêu hiện thực hóa triết lý giáo dục mở đó.
Từ năm 1994, Trường Đại học Mở Hà Nội đã được giao chủ trì các Hội thảo quốc tế về Giáo dục mở và đào tạo từ xa
Trong mô hình đào tạo từ xa của Trường Đại học Mở Hà Nội, người học được tiếp cận kiến thức, ngành học theo nhu cầu của cá nhân. Ai muốn học ngành học nào, môn học nào trong chương trình đào tạo của Nhà trường cũng được đáp ứng, miễn là đạt được điều kiện tiên quyết để vào học. Chưa bao giờ, việc tiếp cận với giáo dục đại chúng lại thuận lợi đến vậy. Có thể nói, Trường Đại học Mở Hà Nội đã thực hiện được việc cá nhân hóa học tập từ rất sớm, việc học tập, bồi dưỡng của người học trở nên thường xuyên, liên tục, suốt đời, góp phần xây dựng một xã hội học tập. Với 25 năm kinh nghiệm tiên phong trong giáo dục mở, Trường đại học này chủ động nghiên cứu phát triển và có năng lực xây dựng nội dung, cung cấp hạ tầng đào tạo trực tuyến (e-learning) đến mọi người dân. Hiện nay, có gần 15.000 sinh viên đang theo học hệ đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Mở Hà Nội.
Tiến sỹ Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, Trường đã cùng các trường đại học mở Châu Á nghiên cứu tham mưu chính sách cho các chính phủ, các phương pháp hiện đại trong giáo dục mở, các giải pháp phát triển công nghệ và xây dựng nội dung của TNGDM. Có thể kể đến như: website chung dạy ngôn ngữ bản địa các quốc gia Đông Nam Á trong nhóm OU5; các khóa học MOOCs; cùng Unesco và 4 trường đại học mở của Hàn Quốc, Mông Cổ, Nepal, Malaysia xây dựng học liệu công dân toàn cầu từ năm 2018; cùng Unesco triển khai các tiêu chí xây dựng thành phố học tập, xã hội học tập tại Việt Nam.
Một góc trường quay giảng dạy trực tuyến với học liệu mở của Trường Đại học Mở Hà Nội
Một số đề xuất cho việc phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam
Để phát triển TNGDM tại các trường đại học nói riêng và cho hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung, cần giải quyết một số vấn đề sau:
– Xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ về TNGDM để các trường đại học, các doanh nghiệp và cá nhân có cơ sở cùng tham gia phát triển TNGDM.
– Tạo lập một hệ sinh thái TNGDM gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà khoa học, cá nhân xây dựng và khai thác TNGDM, theo hướng xây dựng một hệ thống MOOCs cho Việt Nam.