GIỚI THIỆU KHOA LUẬT
Khoa Luật là một trong các khoa chuyên môn của Trường Đại học Mở Hà Nội, được thành lập theo Quyết định số 1050/GD-ĐT ngày 28/03/1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Về đội ngũ cán bộ, giảng viên
Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa Luật đã có được đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng hơn 200 người, trong đó chủ yếu là các Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sĩ là những người có chuyên môn sâu rộng, có nhiều kiến thức thực tiễn nghề luật, nhiều người là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư,…có trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nghề luật.
- Về hoạt động đào tạo
– Bậc đào tạo: Khoa đang thực hiện đào tạo sau đại học, đào tạo đại học và liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học.
– Các ngành đào tạo: Luật, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế.
– Các loại hình đào tạo: Chính quy, Vừa làm vừa học, Từ xa
– Quy mô đào tạo: Hiện nay Khoa đang đào tạo gần 3.500 sinh viên bậc đại học, hơn 200 học viên cao học.
– Chương trình đào tạo các ngành đào tạo đại học được xây dựng trên cơ sở Khung trình độ quốc gia Việt Nam bậc 6 ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; Các chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, bổ sung, chú trọng tăng cường các học phần kỹ năng nhằm phát triển tối đa năng lực của người học cũng như các học phần thực tập, thực hành nhằm gắn lý luận với thực tiễn, đào tạo theo định hướng ứng dụng, giúp người học chiếm lĩnh được các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết phục vụ nghề nghiệp trong tương lai.
– Bên cạnh các giờ học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên luôn được chú trọng, như:
+ Tổ chức các phiên tòa giả định thuộc nội dung các môn học tố tụng như Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng hành chính… do chính sinh viên biên soạn kịch bản và thực hiện dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, các luật sư và các thẩm phán, thư ký tòa án.
+ Tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm chuyên môn nhằm nâng cao các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cũng như giúp sinh viên nâng cao chất lượng các môn học.
+ Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các phương pháp, kỹ năng học tập, kỹ năng viết khoa học, định hướng nghề nghiệp… với các chuyên gia, các nhà khoa học, các diễn giả đến từ các cơ sở sử dụng nhân lực như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Văn phòng luật sư, các Doanh nghiệp…
+ Phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên kết nối với các cơ sở đào tạo luật như Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học ngoại thương, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức cho sinh viên tham gia giao lưu, học hỏi và khẳng định vị thế của sinh viên Khoa Luật – Trường Đại học Mở Hà Nội.
– Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp:
+ Trực tiếp phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, hoạt động xã hội của bản thân;
+ Làm việc cho các văn phòng, công ty luật hoặc hành nghề luật sư độc lập, tư vấn pháp lý hoặc thực hiện các dịch vụ pháp lý khác;
+ Làm luật sư nội bộ, nhân viên pháp chế trong các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức trong và ngoài nước;
+ Làm việc trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và đào tạo luật, luật kinh tế, luật quốc tế;
+ Làm việc trong hệ thống cơ quan các cấp thuộc ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Thi hành án, Tổ chức trọng tài với vai trò là Thư ký tòa án, Thẩm tra viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Trọng tài viên…;
+ Làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp về xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, thanh tra nhà nước, thuế, hải quan, kiểm lâm, công an, biên phòng, bộ phận pháp chế, nhân sự, trợ lí… Làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp về xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, quản lí nhà nước về kinh tế; Làm việc trong hệ thống cơ quan đối ngoại của Nhà nước các cấp về xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật…
- Về nghiên cứu khoa học
Trong gần 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa Luật luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học; coi nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của Khoa. Khoa luôn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên ứng dụng trong hoạt động chuyên môn, giảng dạy và học tập; Nghiên cứu khoa học của sinh viên giúp sinh viên phát triển, hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu khoa học, thuyết trình, hùng biện.
- Về học liệu giáo trình
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Khoa Luật đã thực hiện biên soạn hệ thống học liệu đảm bảo phục vụ công tác đào tạo. Trong đó, hệ thống học liệu điện tử với số lượng lớn, phương thức thể hiện phong phú, đa dạng, tương tác cao thể hiện rõ sự nỗ lực của Khoa và nhà trường trong việc phát triển loại hình đào tạo e-learning.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid19, Trường Đại học Mở Hà Nội đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong khối các trường đại học có tổ chức đào tạo bằng phương thức trực tuyến, vừa thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm chất lượng giảng dạy và học tập.