Nguồn: gass.edu.vn
Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Khoa học xã hội và Trường Đại học Mở Hà Nội, được sự đồng ý và ủng hộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong ngày 7 tháng 10 năm 2020 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.
Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Khoa học xã hội có GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội; GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện hàn lâm KHXHVN, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội; các Phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội, các Trưởng, Phó phòng chuyên môn; Trưởng, phó khoa và giảng viên Khoa Luật. Về phía Trường Đại học Mở Hà Nội, có TS. Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng, PGS. TS. Nguyễn Thị Nhung, Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa Khoa Luật và các giảng viên, Đại học Mở Hà Nội tham dự.
Về phía đại biểu tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; các giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của các Ủy ban của Quốc hội; các nhà khoa học đến từ Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Luật; các đại biểu từ Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tòa án nhân dân Tối cao, Ban nội chính Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam, Viện Chiến lược và khoa học Thanh tra, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Huế, Học viện Tư pháp, Học viện Tòa án, Trường Đại học Kiểm sát, Học viện An ninh nhân dân, Học viện cảnh sát, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật Đại học Vinh, Học viện Thanh thiếu niên, Viện Nhà nước và Pháp luật, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Tạp chí Tòa án, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, Viện Từ điển và Bách Khoa thư, Nhà xuất bản Tư pháp.
GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam,
Giám đốc Học viện Khoa học xã hội.
TS. Trương Tiến Tùng, Hiệu Trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội
Phát biểu khai mạc Hội thảo GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, TS. Trương Tiến Tùng, Hiệu Trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội đều nhất mạnh: “Hội thảo này là hoạt động thiết thực triển khai ký kết quan hệ hợp tác song phương giữa giữa Học viện Khoa học xã hội và Trường Đại học Mở Hà Nội trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường năng lực giữa hai bên về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học”. Đồng thời, Hội thảo “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn” còn là diễn đàn tạo cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học trên toàn quốc cùng bàn thảo về một chủ đề không mới nhưng rất thú vị và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo đã nhận được 48 báo cáo của các nhà khoa học đầu ngành về luật học trên toàn quốc tập trung vào hai chủ đề chính: Một là, những vấn đề lý luận và thực trạng cải cách tư pháp ở Việt Nam. Hai là, những vấn đề tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Các ý kiến phát biểu tại Hổi thảo đã luận giải toàn diện và sâu sắc những vấn đề lý luận về cải cách tư pháp; đánh giá thực trạng cải cách tư pháp ở nước ta thời gian qua trên các mặt thành tựu, hạn chế và chỉ ra những nguyên nhân của thành tựu và hạn chế trong cải cách tư pháp ở Việt Nam. Các nhà khoa học còn đưa ra dự báo những vấn đề liên quan, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về cải cách tư pháp. Hội thảo đưa ra mục tiêu, quan điểm, định hướng, nội dung, giải pháp kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp ở nước ta trong thời gian tới.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS. TS. Võ Khánh Vinh đã đưa ra kiến nghị của Hội thảo tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính sau:
Một là, xây dựng Chiến lược mới về cải cách tư pháp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội pháp quyền, nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hợp tác và hội nhập quốc tế và các quy luật phát triển của pháp luật, của tư pháp.
Hai là, kết nối Chiến lược mới về cải cách tư pháp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045 với Chiến lược xây dựng pháp luật, Chiến lượng cải cách hành pháp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045 thành một chỉnh thể thống nhất trên tất cả các phương diện (chính trị, pháp luật, tổ chức, nhân lực…).
Ba là, cần xây dựng và tiến hành thực hiện một Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước trong giai đoạn mới 2021 – 2025 về cải cách tư pháp.
Bốn là, cần tăng cường mọi nguồn lực cho tiếp tục cải cách tư pháp, đặc biệt nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính; đẩy mạnh phát triển nhân lực tư pháp đủ năng lực, khả năng tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp.
Hội thảo sẽ chắt lọc các luận điểm khoa học về lý luận và tổng kết thực tiễn cải cách tư pháp ở Viện Nam trong thời gian qua nhằm đóng góp ý kiến cho Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới.
Tin: Vũ Mạnh Toàn
Nguồn: gass.edu.vn