Tôi là một cô sinh viên năm nhất bước những bước đầu tiên trên con đường chinh phục giấc mơ trở thành luật sư của mình. Trước đây, nhắc tới nghề luật, tôi luôn nghĩ đó là nghề đòi hỏi sự mạnh mẽ, cứng rắn cùng sự thông minh, tinh nhạy. Sau đó, nhắc tới học luật, tôi lại càng nghĩ đó là ngành học gạo khô khan, nhiều chữ và tất cả những người học luật đều là “mọt sách”, khô khan, lạnh lùng. Đặc biệt là sau kỳ học đầu tiên với những môn học đại cương mang nặng tinh lý luận, hơi xa lạ với đời sống thường nhật.
Nhưng rất nhanh sau đó, tôi đã nhận ra suy nghĩ đó là sai lầm, nhất là khi tôi được tham gia khóa học US Consumer Protection Law của giáo sư Max Huffman, một Giáo sư rất nối tiếng đến từ trường đại học Indiana Hoa Kỳ. Đây là khóa học chỉ kéo dài trong vỏn vẹn một tuần, vậy nên sinh viên chúng tôi chỉ có thể nắm được những kiến thức cơ bản nhất về hệ thống Pháp luật Mỹ và những điểm quan trọng nổi bật trong US Consumer Protection Act. Một tuần học tập liên tục từ 9h tới 14h và học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây là một thử thách rất lớn đối với chúng tôi, nhưng đó cũng là cơ hội tuyệt vời giúp chúng tôi trau dồi tri thức, tăng cường kỹ năng ngoại ngữ.
Giáo sư Max, một giáo sư dày dặn kinh nghiệm và cũng đã nhiều lần giảng dạy cho sinh viên nước ngoài nên Thầy cũng tinh ý nhận thấy sự khó khăn về khả năng ngôn ngữ của chúng tôi. Vì vậy Thầy giảng cho chúng tôi bằng giọng Anh – Mỹ dễ nghe hơn. Thầy phát âm chậm rãi, rõ chữ, đồng thời luôn sử dụng những ngôn ngữ thông dụng để giải thích cho các thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành pháp lý. Hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ thuộc hệ thống Common Law, sử dụng án lệ làm nguồn cơ bản, chủ yếu khác hẳn với hệ thống luật của Việt Nam, sử dụng văn bản pháp luật là nguồn cơ bản, tuy nhiên, với phương pháp giảng dạy năng động, gợi mở, thường xuyên giao tiếp tương tác với sinh viên, viện dẫn các ví dụ minh họa đã làm cho bài giảng rất khó trở nên dễ hiểu hơn, cuốn hút chúng tôi hơn và mỗi giờ giảng của Thầy, thời gian cứ trôi đi vùn vụt. Phong cách giảng dạy cùng kỹ năng sư phạm của Thầy theo suy nghĩ của tôi, không phải giáo viên nào cũng làm được.
Tôi được vinh dự đại diện sinh viên đi đón Giáo sư Max tại sân bay. Ấn tượng ban đầu của tôi về Thầy là sự thân thiện, dễ gần, dễ nói chuyện. Chính vì vậy, khi đứng lớp, giáo sư cũng tạo nên bầu không khí dễ chịu, thoải mái, luôn có sự tương tác giữa thầy và trò, xóa tan khoảng cách giữa người trên bục giảng với các cô cậu học trò ngồi dưới.
Khi chúng tôi trả lời câu hỏi, thầy luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến và không bao giờ bảo đó là câu trả lời sai, thầy luôn nói rằng đó là một góc nhìn mới, khác biệt. Có lẽ đó là lý do vì sao sinh viên chúng tôi không còn ngại sai, hăng hái phát biểu, tranh luận với thầy hơn. Dù trong lớp vẫn có vài bạn chưa tự tin lắm với vốn tiếng Anh của bản thân, nhưng các bạn cũng vẫn cố gắng hòa mình vào không khí của lớp, tôi cho rằng đó là vì sự nhiệt tình, nhiệt huyết của giáo sư đã truyền tới cho sinh viên chúng tôi.
Khóa học US Consumer Protection Law của Giáo sư giúp chúng tôi hiểu rằng Consumer Protection Act được tạo ra nhằm bảo vệ những người tiêu dùng vốn dĩ là bên yếu thế trong quan hệ tiêu dùng, những người, thiếu hiểu biết về chuyên môn, về pháp luật nên rất, dễ bị lấn át bởi người bán hàng, cung cấp dịch vụ vốn là các “ông chủ” giàu có, với đội ngũ luật sư riêng đông đảo luôn sẵn sàng bảo vệ các “Ông chủ”. Tôi đồng ý với giáo sư Max rằng người tiêu dùng là đối tượng chính cần được pháp luật và người làm luật quan tâm bảo vệ đầu tiên. Những luật sư tuơng lai như chúng tôi cần hiểu điều quan trọng đó, bởi những người dân yếu thế ấy có thể là bà, là bác, là cha mẹ hay thậm chí là chính bản thân chúng ta ngày trước, từng bị lừa bởi những bản hợp đồng dài dòng, khó hiểu, bị lừa nhưng thậm chí bản thân còn “ngoan ngoãn” đồng ý để cho người khác lừa!
Trong những ngày Giáo sư Max giảng dạy ở Việt Nam, tôi được cùng một số bạn trong lớp đưa thầy đi tham quan, giới thiệu văn hóa Việt Nam. Đi cùng Thầy, tôi có cơ hội được trao đổi, “tranh luận” với Thầy về mọi vấn đề văn hóa, kinh tế, luật pháp, … Và tôi nhận ra tôi không chỉ học hỏi được kiến thức pháp luật mà còn học hỏi được ở Thầy rất nhiều kiến thức về đời sống thường nhật.
Được giáo sư về trường dạy dù chỉ trong một tuần nhưng sinh viên chúng tôi học thêm rất nhiều. Tôi biết mình và các bạn thật sự rất may mắn khi được là học trò của một giáo sư rất nổi tiếng của Trường đại học Indiana. Tôi biết, rất ít trường đại học ở Việt Nam hiện nay mời được các giáo sư nước ngoài, nhất là các giáo sư ở Hoa Kỳ về giảng dạy cho sinh viên vì chi phí rất đắt đỏ. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc của sinh viên chúng tôi đến Trường Đại học Mở Hà Nội và Khoa Luật đã tạo điều kiện cho sinh viên chúng tôi được học tập ở môi trường quốc tế ngay trong nước, được trở thành học trò của một giáo sư rất nổi tiếng của Hoa Kỳ. Tôi hy vọng rằng, những khóa học hữu ích này sẽ còn tiếp tục.
Hà Nội, tháng 3/2019
Nguyễn Lê Ngọc Ngân Hoa, Sinh viên lớp Luật Quốc tế K23